1. Vì sao học tiếng Nhật bạn cần phải nhớ chữ Kanji, nhớ càng nhiều càng tốt
Mấy ngày đầu học tiếng Nhật, cứ ngỡ thuộc được bảng chữ cái là bước qua cửa ải gian nan nhất rồi nhưng nào ngờ đến khi học chữ Kanji thì mới biết Kanji là “kiếp nạn thứ 82” khi học tiếng Nhật. Rồi đi đâu cũng va vào kanji, từ đọc hiểu cho đến từ vựng, ngữ pháp…chẳng có cách nào trốn chạy được, càng học lên cao, chữ Kanji lại càng tăng theo cấp số nhân. Nhiều chữ Kanji giống nhau, không thể nào phân biệt được, và tất nhiên rồi không thuộc chữ Kanji thì chẳng khác nào “mù chữ” cả.
Nếu một câu văn hoặc bài văn chỉ có chữ Hiragana thì sẽ thế nào nhỉ?
ははははなをかった。
たかがはらはなかがわらえきでさんぽしていた。
Quá khó khăn và mất thời gian để phân biệt nghĩa của 2 câu trên, nhưng nếu sử dụng chữ kanji thì mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều:
母は花を買った。
高河原は中河原駅で散歩していた。
Hoặc phân biệt từ có âm Hirigana giống nhau:
Về nhà là「かえる」
Con ếch cũng là「かえる」
Thay đổi cũng là「かえる」
Nở trứng cũng là「かえる」
Trở lại cũng là「かえる」
Có thể mua cũng là「かえる」
Có thể nuôi cũng là「かえる」
Nếu chỉ viết chữ Hirigana thì quả thực là không thể phân biệt được nghĩa, lúc này mới thấy tầm quan trọng của chữ Kanji:
Về nhà là「かえる」帰る
Con ếch cũng là「かえる」蛙
Thay đổi cũng là「かえる」変える
Nở trứng cũng là「かえる」孵る
Trở lại cũng là「かえる」返る
Có thể mua cũng là「かえる」買える
Có thể nuôi cũng là「かえる」飼える
Chính vì vậy việc tìm cho mình một cách nhớ Kanji hiệu quả là điều cực kỳ quan trọng!
2. Cách học chữ Kanji hiệu quả nhất mà hàng trăm nghìn bạn đã áp dụng và thành công
Tập viết chữ Kanji
Không cần phải viết đẹp, biết viết là được
Quy tắc viết Kanji
➡️ Viết các nét theo thứ tự trên => dưới, trái => phải.
➡️ Nét ngang trước, dọc sau.
➡️ Nét sổ thẳng và xuyên ngang được viết sau cùng.
➡️ Nét xiên trái (nét phẩy) viết trước nét xiên phải (nét mác).
➡️ Đối với các kanji đối xứng, viết phần giữa trước.
➡️ Phần bao quanh viết trước, bên trong viết sau.
➡️ Đối với phần bao quanh, nét sổ trái viết trước.
➡️ Đối với phần bao quanh, nét dưới đáy được viết cuối cùng.
➡️ Các nét chấm nhỏ viết sau cùng.
Hãy ghi nhớ BỘ THỦ cơ bản
Bộ thủ chính là những ký tự cấu thành nên một chữ Kanji. Có tổng cộng 214 bộ thủ, nhưng chúng ta không cần phải học hết. Mới bắt đầu N5 thì các bạn chỉ cần ghi nhớ khoảng 80 bộ thủ, sau đó học lên cao thì ghi nhớ dần dần.
Chẳng hạn như chữ 男/nam/おとこ/con trai được ghép bởi 2 bộ: bộ phía trên là 田 - bộ điền và bộ phía dưới là bộ 力 - lực. “Điền” là ruộng vườn, còn “Lực” là sức lực. 男 là đàn ông, con trai. Đàn ông 男 là người có sức lực 力 mạnh mẽ nâng cả ruộng 田 vườn lên vai (vì bộ điền nằm trên).
Đến đây thì mọi người đã hiểu vì sao có cụm “mặt vuông chữ điền” chưa? - Mặt đó là mặt của người đàn ông nam tính đó. Nhớ chữ kanji theo câu chuyện như vậy sẽ giúp bạn ngấm nhanh và ghi nhớ cực lâu. Cách ghi nhớ bộ thủ tại đây.
Phải tạo thói quen ôn tập
Bạn phải chọn 1 trong 2: nếu lười viết thì phải nhìn nhiều, mà không nhìn nhiều thì phải viết nhiều. Học tiếng Nhật thì đừng lười. Ở cấp độ mới bắt đầu như N5 và N4 chữ Kanji còn khá dễ nhớ, ít nét, đỡ phức tạp thì bạn hãy cố gắng tranh thủ nhớ càng nhiều chữ càng tốt. Học Kanji bài sau, ông tập lại Kanji của bài trước 1 cách đều đặn, ngay cả khi bạn đã quá quen với chữ đó rồi thì bạn cũng đừng chủ quan mà bỏ qua không học lại.
Khi ôn bài, lấy ngón trỏ che toàn phần phiên âm lại, bắt bản thân phải nhìn mặt chữ Kanji và đọc đúng phiên âm và nghĩa của chữ Kanji đó.
Từ nào quá nhiều nét, hãy ghi vào 1 quyển sổ và thường xuyên mở ra nhìn với tần suất 4 lần 1 ngày: sáng thức dậy nhìn 1 lần, trưa nhìn 1 lần, ngủ trưa dậy nhìn 1 lần, tối trước khi ngủ nhìn và lẩm nhẩm thêm 1 lần nữa. Bạn càng tiếp xúc nhiều với chữ Kanji thì khả năng ghi nhớ mặt chữ càng lâu, cũng giống như bạn học tiếng Việt vậy, gặp nhiều, đọc nhiều thì sẽ nhớ. Cách này đã áp dụng hiệu quả với hàng trăm nghìn người rồi!
Nếu bạn mới bắt đầu học tiếng Nhật và chưa có lộ trình học phù hợp, bạn có thể tham khảo về lộ trình học chuẩn nhất tại đây
Chúc các bạn học tốt nhé!