Chào những bông hoa nhỏ ham học🌻, mình là Hà - một trong những “bông hoa nhỏ” của Dungmori. Tháng 7 năm 2024 là lần đầu tiên mình đăng kí JLPT N2 và đã vượt qua kì thi với số điểm là 170 điểm. Cấp độ mình lựa chọn thi tuy có phần hơi mạo hiểm so với cái gọi là “lần đầu”, nhưng nhờ sự nỗ lực và may mắn, mình đã vượt qua ở ngay lần thử sức đầu tiên. Điểm số mà mình đạt được tuy không phải là tuyệt đối, nhưng mình tin nó cũng là con số mơ ước của nhiều người, trong đó đã từng có cả mình. Hôm nay, mình ở đây để gửi tặng một “món quà” 🎁 tới những bông hoa nhỏ. Mong rằng món quà của mình sẽ trở thành đôi cánh, giúp các bạn băng qua chặng đường đầy chông gai, thử thách phía trước.
Bạn Phạm Thị Hải Hà, học viên của Dungmori đạt 170/180 điểm tại kì thi JLPT N2 tháng 07/2024
Với mình việc học tiếng Nhật là chặng đường khám phá một ngôn ngữ mới, vượt qua mọi thử thách và chinh phục chính mình. Hi vọng những chia sẻ sắp tới của mình sẽ không chỉ giúp ích cho các bạn đang ôn luyện N2 mà còn truyền cảm hứng cho những bạn dự thi ở các cấp độ khác nữa.
Bài viết này sẽ chia làm 2 phần, phần 1 là Bí kíp học tiếng Nhật, phần 2 là Bí kíp luyện thi JLPT. Trước khi đi vào chia sẻ chi tiết phương pháp học và luyện thi với từng phần thi của JLPT, mình muốn chia sẻ đôi điều về việc học tiếng Nhật.
PHẦN 1: Bí kíp học tiếng Nhật 📚
Dựa trên kinh nghiệm và sự đúc kết của bản thân qua quá trình học tiếng Nhật, để học tốt tiếng Nhật chỉ trau dồi kiến thức thôi thì không đủ. Chúng ta cần phải có cả những yếu tố khác nữa.
① Yếu tố đầu tiên là về mặt tư tưởng, đây là yếu tố tiên quyết sẽ quyết định bạn có thể học được tiếng Nhật hay không. Tại sao lại nói như vậy? Vì khi bắt tay vào học với những suy nghĩ như: “Tiếng Nhật khó quá, mình không thể nào học được.”, “Khó như thế này thì làm sao người như mình có thể đỗ được.”, ...v.v thì nó sẽ trở thành bức tường vô hình ngăn cản bạn trên con đường chinh phục tiếng Nhật. Suy nghĩ sẽ quyết định lời nói và hành động. Bởi thế, việc đầu tiên mọi người cần nghĩ và tin rằng mình sẽ làm được, mình có thể làm được. Nếu bạn hỏi tôi: “Tiếng Nhật có khó không?”. Câu trả lời là có. Nhưng suy cho cùng, nó cũng chỉ là một ngôn ngữ. Người khác làm được, bạn cũng làm được!
② Yếu tố thứ hai là niềm đam mê và yêu thích. Mình học tiếng Nhật xuất phát từ tình yêu đối với ngôn ngữ này. Nhưng không phải ai cũng giống như mình. Đối với một số người, tiếng Nhật chỉ là một phương tiện, một công cụ để kiếm tiền trang trải cuộc sống, không hơn không kém. Tất nhiên, nếu mọi người đã giỏi sẵn, là thiên tài, là thần đồng thì không nhất thiết phải có yếu tố này vẫn có thể học tốt tiếng Nhật. Thế nhưng không phải ai cũng là thiên tài, là thần đồng. Nếu có sự đam mê và niềm yêu thích thì chúng ta có thể học dễ dàng hơn rất nhiều. Vậy nên dù cho bạn không thích tiếng Nhật cũng hãy cố gắng tìm ra cái hay, cái đẹp, cái thú vị của nó, sau đó biến nó thành niềm yêu thích của bản thân mình. Mình tin rằng, tiếng Nhật nhất định sẽ không phụ chúng ta. Chỉ cần bạn yêu nó, nhất định vào một ngày nào đó, tiếng Nhật sẽ đáp lại tình cảm chân thành của bạn.
③ Yếu tố thứ ba là yếu tố quan trọng không thể thiếu khi học ngôn ngữ, đó là trí nhớ. Mình xin nhấn mạnh lại là trí nhớ. Cho dù bạn là người có tư duy logic, phản biện, suy luận tốt đến đâu, nhưng nếu không có trí nhớ tốt thì việc học ngôn ngữ sẽ trở nên rất gian nan, vất vả. Như mọi người đã biết, khi học tiếng Nhật, chúng ta cần phải nhớ một lượng lớn từ vựng, chữ Hán, ngữ pháp, cách dùng từ...v.v. Cho nên, trí nhớ là một “công cụ” không thể thiếu. Việc sở hữu một trí nhớ tốt thì quả thật là một điều tuyệt vời. Nhưng nếu trí nhớ không tốt thì phải làm sao? Trí nhớ giống như cơ bắp, việc luyện tập hàng ngày sẽ giúp cơ bắp phát triển. Các bạn có thể lên mạng tham khảo một số cách luyện tập để có một trí nhớ tốt hơn, cũng như bổ sung thêm một số loại thực phẩm chức năng như thuốc hoặc nước uống có lợi cho việc tăng trí nhớ nhé!
Trên đây là 3 yếu tố mà cá nhân mình nghĩ là cần thiết cho việc học tiếng Nhật, các bạn có thể đọc và tham khảo.
Chân dung "bông hoa nhỏ" của Dungmori đã đạt điểm cao trong kì thi JLPT N2 tháng 07/2024
Sau đây, mình sẽ chia sẻ qua về phương pháp học tiếng Nhật. Mọi người có bao giờ tự hỏi rằng, tại sao cùng một thầy cô dạy, học cùng một quyển sách, một quyển giáo trình như nhau mà lại có người học tốt, có người học kém không? Mấu chốt chính là ở phương pháp học. Học chưa tốt không phải do bản thân bạn kém cỏi mà là do chưa tìm ra được phương pháp học phù hợp với mình. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người sẽ phù hợp với một phương pháp học riêng. Phương pháp hay mà không phù hợp với bản thân, thì đó không phải là phương pháp tốt.
Phần chia sẻ về phương pháp học là cách làm của cá nhân mình, chỉ mang tính chất tham khảo. Với mình, quan niệm về việc học không phải là việc mở sách ra, ngồi vào bàn, hay cầm bút lên để viết, mà học là khi chúng ta tiếp thu được những kiến thức mới, ôn lại được những kiến thức cũ. Nên học với mình là ở tất cả mọi nơi. (Cách này có thể áp dụng được cho những bạn đang sống ở Nhật). Trên đường mình đi làm, đi chơi, mình hay thích đọc mọi thứ mà mình thấy. Thậm chí, mình có thể dừng lại vài phút chỉ để đọc 1 cái biển quảng cáo, 1 tờ giấy thông báo dán ở đâu đó mà mình thấy trên đường. Thay vì đi làm đúng giờ, mình đi sớm hơn một chút để có thời gian đọc. Bằng việc học một cách tự nhiên như vậy, mình có thể đọc được rất nhiều chữ Hán, biết được cách dùng từ trong ngữ cảnh thật, khả năng đọc hiểu của mình cũng từ đó mà tăng lên. Kiến thức vào đầu mình một cách tự nhiên thay vì mình mở sách ra và bắt não bộ ghi nhớ một cách miễn cưỡng, ép buộc.
Thứ hai, học phải đi đôi với hành. Việc ghi nhớ nhiều từ vựng mà không sử dụng đến nó sẽ khiến mọi người quên đi một cách nhanh chóng. Những từ vựng mà chúng ta nhớ chỉ nằm trong bộ nhớ ngắn hạn, thay vì bộ nhớ dài hạn. Để ghi nhớ lâu dài, chỉ có một cách duy nhất đó là sử dụng nó. Khi giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Nhật với đồng nghiệp ở nơi làm việc, hãy cố gắng sử dụng nó. Ví dụ, ngày hôm nay mình học thuộc 40 từ, thì mình cố gắng sử dụng được 5-10 từ khi nói chuyện, không cần phải dùng hết tất cả, đó đã là thành công rồi. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, việc học không phải ngày một ngày hai là thành nên mọi người cần phải có lòng kiên trì, quyết tâm bền bỉ. Nếu như không có môi trường để luyện giao tiếp, hãy thử tải các app luyện giao tiếp tiếng Nhật miễn phí như Hello Talk, Tiktok,...v.v. Có thể mọi người sẽ cho rằng việc luyện giao tiếp, hay còn gọi là kaiwa tiếng Nhật không quan trọng trong quá trình luyện thi JLPT, nhưng đó là một quan điểm không đúng đắn. Vì giao tiếp sẽ giúp bạn “hành” những thứ mà mình đã “học”, hơn thế nữa, nó giúp luyện cách phát âm đúng của từ, điều này sẽ ảnh hưởng đến kĩ năng nghe trong phần thi Nghe hiểu của JLPT. Tại sao phát âm sai lại ảnh hưởng đến kĩ năng nghe? Bởi có rất nhiều từ khi đọc bằng mắt sẽ hiểu nghĩa ngay nhưng vẫn là từ đó khi nghe lại không hiểu, bạn nghĩ nó là từ mới dù đã học rồi, thì đó là do khi học chúng ta chỉ học nghĩa của từ mà không học cách phát âm của nó. Luyện kaiwa sẽ giúp các bạn cải thiện vấn đề này, từ đó giúp kĩ năng nghe hiểu trở nên tốt hơn. Trên đây là toàn bộ bí kíp học tiếng Nhật của mình, mọi người có thể đọc và tham khảo.(*^^*)
PHẦN 2: Bí kíp luyện thi JLPT (áp dụng với cấp độ N2) 📖
Mình biết có lẽ đây là phần mà mọi người mong chờ hơn cả, thế nhưng phần 1 cũng khá quan trọng nên trước khi đọc phần 2 thì mọi người hãy cố gắng đọc cả phần 1 nhé! ^^
Mình sẽ chia sẻ cách học và luyện đối với từng phần thi:
1. Từ vựng, chữ Hán, ngữ pháp(文字・語彙・文法)
Đối với ngữ pháp và chữ Hán, mình nghĩ chỉ cần học 1 giáo trình duy nhất hoặc học theo giáo trình mà trung tâm đã cung cấp là ổn. Ngoài ra trong quá trình luyện đề, nếu có gặp ngữ pháp hoặc chữ Hán nào mới, mình sẽ ghi lại để học thêm.
Đối với từ vựng, theo mình chỉ học từ 1 đến 2 giáo trình là không đủ. Trước đây mình học từ vựng của 2 giáo trình là Mimikara Oboeru và Shinkanzen nhưng mình vẫn cảm thấy thiếu, từ vựng thì mọi người biết càng nhiều càng có lợi khi làm bài thi. Từ vựng ngoài học theo giáo trình của trung tâm thì mọi người hãy tự học thêm qua các giáo trình khác hoặc qua các phương tiện khác như tin tức, báo chí, phim ảnh, anime, truyện tranh, các bài đọc hiểu,...v.v
2. Đọc hiểu(読解)
Đọc hiểu mình chỉ luyện bằng 1 giáo trình duy nhất đó là Shinkanzen. Cách luyện thì mọi người cứ làm từng bài một, sau khi làm xong thì check đáp án. Trước khi làm thì mình sẽ không tra từ, bởi khi đi thi cho dù là người giỏi đến đâu cũng sẽ gặp từ mà mình không biết, khi không tra từ thì buộc não bộ phải suy luận, đoán nghĩa của từ, từ đó sẽ mở khóa một kĩ năng mới đó là kĩ năng đoán nghĩa của từ khi gặp từ mà mình không biết. Trình tự làm đọc hiểu thì mình sẽ đọc câu hỏi trước, sau đó mới đọc bài, vì nếu không đọc câu hỏi trước khi đọc bài thì mình sẽ rơi vào trạng thái đọc mà không có mục đích, sau khi đọc xong sẽ không đọng lại trong đầu được những thông tin quan trọng cần thiết để chọn đáp án, sau khi đọc câu hỏi xong lại phải quay lại đọc bài thêm 1 lần nữa để tìm đáp án sẽ rất tốn thời gian, nên mọi người hãy cố gắng đọc kĩ câu hỏi trước khi đọc bài nhé.
Đối với nhiều người, đọc hiểu là một phần thi khá khó, và cũng là “thủ phạm” ngăn cản mọi người chinh phục tấm bằng JLPT. Nhưng đây lại là phần thi “gánh điểm” cho các phần thi khác nếu như mọi người nắm được cách làm đọc hiểu. Bởi lẽ, nếu là các mondai ở phần thi từ vựng, chữ Hán, ngữ pháp, chỉ cần trong câu có từ mọi người không biết sẽ khó có thể chọn ra được đáp án đúng. Thế nhưng Đọc hiểu lại không như vậy, ngay cả khi có từ không biết nhưng nếu có các kĩ năng như đoán từ, tìm từ khóa,...v.v thì vẫn có thể chọn ra được đáp án đúng.
Ở phần thi Đọc hiểu này, người ta thường nói Đọc hiểu khó ở chỗ không phải đọc không hiểu mà là đề quá dài trong khi thời gian quá ngắn. Để khắc phục tình trạng này, cần cải thiện tốc độ đọc và tốc độ dịch. Tốc độ đọc thì liên quan đến bảng chữ cái và chữ Hán, nếu không thuộc kĩ bảng chữ cái (bao gồm cả Hiragana và Katakana) thì hãy luyện lại thật kĩ, chữ Hán thì luyện bằng cách đọc thật nhiều hoặc làm test để nhớ mặt chữ, điều này sẽ giúp cải thiện tốc độ đọc. Thứ hai là tốc độ dịch, để luyện được tốc độ dịch thì cần dành nhiều thời gian hơn. Mọi người thường sợ đọc hiểu vì thấy câu dài, đoạn văn dài, khó dịch đúng không. Nhưng thực ra, bản chất của câu dài là ghép từ nhiều vế hoặc nhiều câu ngắn mà thành. Nên chỉ cần luyện dịch từ câu ngắn trở đi, khi đã quen với cách dịch rồi thì vào câu dài cứ chia ra thành nhiều vế nhỏ để dịch là okiii.
Thêm một điều nữa cũng quan trọng không kém khi làm đọc hiểu đó là liên từ. Mọi người nên học thuộc các liên từ thường xuất hiện trong đọc hiểu vì nhìn vào liên từ chúng ta sẽ nắm bắt được dòng chảy của mạch đoạn văn cũng như biết đâu là phần quan trọng cần đọc kĩ, đâu là phần không quan trọng chỉ cần đọc lướt. Điều này cũng giúp tiết kiệm được kha khá thời gian khi làm đọc hiểu.
Cuối cùng, một điều rất quan trọng đó là đọc hiểu không có một công thức chung nào áp dụng cho mọi dạng bài, vì vậy khi làm đọc hiểu thì cần phải ứng biến linh hoạt, vì mỗi dạng bài, mỗi câu hỏi sẽ có cách tìm kiếm thông tin khác nhau.
3. Nghe hiểu (聴解)
Đối với nghe hiểu, không có cách nào khác ngoài nghe thật nhiều. Mọi người có thể luyện nghe trong môi trường thực tế, nếu không có môi trường thực tế thì luyện nghe qua đề thi các năm, qua tin tức, podcast, phim ảnh, âm nhạc,...v.v bất cứ thứ gì mà mọi người có hứng thú. Với mẹo dành cho nghe hiểu, mọi người có thể tham khảo các mẹo mà trung tâm đã cung cấp, mình thấy khá hay và bổ ích. (Link tham khảo tại đây)
Cá nhân mình thấy phần thi nghe của JLPT và ngoài đời thực không giống nhau. Thi nghe trong JLPT thường có một form chung, cho dù chủ đề có thay đổi đi chăng nữa, nhưng nếu luyện nghe qua đề thi các năm thật nhiều thì mọi người sẽ cảm nhận được điều mà mình đã nói.
Trên đây là cách luyện và ôn thi JLPT N2 mà mình đã chia sẻ. Tuy mỗi phần thi sẽ có cách luyện khác nhau nhưng tất cả đều có 1 điểm chung là cần phải luyện đề thực chiến thật nhiều. Ở giai đoạn cuối này, không chỉ ôn luyện mà mọi người cần suy nghĩ chiến lược thi cho riêng mình. Tập cách phân chia thời gian trong khi thi cũng là điều cần thiết. Và quan trọng nhất đó là mọi người hãy giữ gìn sức khỏe để có thể nghênh chiến với kì thi ở trạng thái tốt nhất. 💪💪💪
Lời cuối cùng, mình xin chúc tất cả các bạn đồng học và những bông hoa nhỏ của Dũng Mori sẽ tham dự kì thi JLPT tháng 12/2024 sắp tới luôn kiên trì, bền bỉ, vững tâm, tinh tiến trên con đường học tiếng Nhật🍀🍀🍀. Học tiếng Nhật giống như đốt đuốc, không cần phải sáng rực rỡ nhưng đừng để ngọn đuốc dập tắt cho đến khi về tới đích nhé🔥!(^^)!. Hãy đứng lên và cùng nhau đốt đuốc với mình nào!♪
Trên đây là bài viết chia sẻ của bạn Phạm Thị Hải Hà gửi về trung tâm Dungmori.