Ở Nhật Bản đang xảy ra các vụ lừa chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng mua qua chợ đen, với thiệt hại lên tới hàng triệu đôla. Nhiều tài khoản trong số này mang tên người nước ngoài, mà những kẻ lừa đảo có được bằng cách trục lợi từ những người nước ngoài gặp khó khăn về tài chính.

Những tài khoản đáng ngờ

Chỉ trong năm nay đã có khoảng 200 triệu đôla thiệt hại được ghi nhận từ các vụ lừa chuyển tiền qua máy giao dịch tự động (ATM) vào các tài khoản ngân hàng mà tội phạm có được một cách trái phép.

Các vụ lừa đảo thường bắt đầu qua điện thoại.

 

Tính tới cuối tháng 9, cảnh sát đã xác định khoảng 1.600 tài khoản đáng ngờ. 312 tài khoản trong số này, tương đương 20%, có chủ sở hữu có vẻ là người nước ngoài.

Tên các tài khoản này thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng phổ biến nhất là họ Nguyễn của người Việt. Theo sau đó là họ Trần cũng của Việt Nam, và họ Jang của Hàn Quốc.

Các tài khoản được mở ở các cơ sở tài chính trên khắp Nhật Bản, từ tỉnh Hokkaido phía bắc cho tới tỉnh Kagoshima phía nam.

 

Phương thức lừa đảo

Hồi tháng 4, một phụ nữ ngoài 60 tuổi ở Osaka nhận điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên văn phòng chính quyền thành phố. Bà tin lời người này nói rằng hệ thống bảo hiểm y tế được sửa đổi và bà sẽ được hoàn tiền.

Theo chỉ dẫn của người này, bà ra máy ATM gần nhà và chuyển khoảng 700 đôla vào tài khoản được chỉ định. Khi nhận ra mình bị lừa, bà đã báo cảnh sát. Hoá đơn chuyển tiền cho thấy tài khoản nhận tiền là của một người mang họ Nguyễn.

Chợ đen mua bán tài khoản ngân hàng

 

Khi điều tra, cảnh sát phát hiện tài khoản này do một du học sinh người Việt mở vào tháng 10 năm 2016. Người này đã rời Nhật Bản vào tháng 1 năm 2018.

Cảnh sát nghi ngờ rằng tài khoản được bán trên chợ đen chuyên giao dịch mặt hàng này. Trong một số trường hợp, du học sinh và thực tập sinh kỹ năng bán tài khoản ngân hàng của mình trước khi về nước.

Áp lực tài chính được cho là lý do khiến số tài khoản đáng ngờ mang tên người nước ngoài gia tăng.

 

Không còn cách nào khác

Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt - Nhật, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Tokyo chuyên giúp đỡ du học sinh và thực tập sinh người Việt, kêu gọi không bán tài khoản ngân hàng.

Bà Yoshimizu Jiho, người đứng đầu tổ chức, kể về trường hợp một thai phụ người Việt ngoài 20 tuổi ở Nhật Bản quá hạn thị thực xin giúp đỡ để về nước sinh con.

Một phụ nữ người Việt ngoài 20 tuổi (bên trái) và bà Yoshimizu Jiho, chủ tịch Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt - Nhật

 

Bà cho biết: "Khi tôi hỏi có mua được vé máy bay không thì em ấy nói là mua được nhưng 'hãy đợi một chút' rồi bỏ đi đâu đó".

"Khi em ấy quay về, tôi hỏi thì em nói là đã tới khu Okubo ở Tokyo để bán tài khoản ngân hàng".

Bà Yoshimizu Jiho

 

Hội cho biết ngày càng có nhiều người Việt Nam ở Nhật Bản mất việc làm do đại dịch, từ đó liên quan tới hoạt động phạm pháp. Hội biết nhiều trường hợp những người như vậy bán thẻ và sổ ngân hàng để lấy tiền.

Một nhóm trên mạng xã hội dành cho người Việt ở Nhật có nhiều bài đăng về việc bán tài khoản ngân hàng. Cảnh sát cho rằng hầu hết các tài khoản đáng ngờ thuộc diện điều tra đã được bán trên mạng với giá vài trăm đôla mỗi tài khoản.

Ảnh chụp hàng loạt sổ ngân hàng được đăng trong nhóm trực tuyến của người Việt ở Nhật.

 

Bà Yoshimizu cho biết: "Nhiều người nước ngoài mất việc làm, tiền bạc và nhà cửa do đại dịch. Tôi nghĩ họ không nhận ra rằng việc mua bán tài khoản ngân hàng là phạm pháp".

"Họ bán tài khoản của mình vì túng quẫn và không có cách nào khác để kiếm sống. Đó là tình trạng hiện nay ở Nhật Bản".

"Theo tôi, chính phủ và các tổ chức liên quan cần cung cấp thêm thông tin để ngăn những người này tham gia vào các hoạt động phạm pháp. Cảnh sát cũng cần giúp họ nhận thức được tình hình".

 

Hối hận vì bán tài khoản

Một du học sinh người Việt 25 tuổi cho biết bạn anh, một thực tập sinh kỹ năng, từng bán tài khoản ngân hàng của mình. Anh nói rằng trên mạng có nhiều người muốn mua tài khoản, thẻ bảo hiểm y tế và bằng lái xe. Nhiều người nước ngoài bán những thứ này khi về nước hoàn toàn.

Khi thực tập sinh kỹ năng nói trên quay lại Nhật để làm việc, anh bị bắt giữ do tài khoản bị dùng trong các vụ lừa đảo.

Hiện có nhiều bài đăng trên mạng xã hội cảnh báo về nguy hiểm của việc bán tài khoản.

 

Du học sinh trên cho biết: "Nhiều du học sinh gặp khó khăn về tài chính. Khi công việc làm thêm ít đi do đại dịch, họ không còn cách nào kiếm tiền".

"Nhiều người vay tiền ở Việt Nam để sang Nhật, và một số đã biến mất khỏi nơi làm việc do không thể trả nợ".

"Tôi nghĩ điều tốt nhất là giúp cải thiện tình hình để những người này không phải mua bán tài khoản".

 

Kiểm tra trước khi chuyển tiền

Cảnh sát cho biết nhiều tài khoản đáng ngờ được sử dụng trong các vụ mạo danh là nhân viên chính quyền thành phố.

Ông Suzuki Kazuhiro, phó quản lý Bộ phận An toàn Người dân thuộc Sở Cảnh sát tỉnh Osaka, cho biết: "Khi sử dụng ATM, hãy kiểm tra tên và tài khoản của người nhận trên màn hình để chắc chắn là mình không bị lừa".

"Nếu phát hiện điều gì đáng ngờ, hãy báo cảnh sát ngay lập tức".

Ông Suzuki Kazuhiro, phó quản lý Bộ phận An toàn Người dân thuộc Sở Cảnh sát tỉnh Osaka

Nguồn: NHK